Một trong những ấn tượng lớn nhất tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của Vingroup (mã chứng khoán VIC - HOSE) diễn ra hôm 26/4 là sự thẳng thắn của người đứng đầu tập đoàn, ông Phạm Nhật Vượng, khi đã trả lời gần như mọi câu hỏi của nhà đầu tư liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn.
Nhà cao tầng không phải nguyên nhân tắc đường
Trước thắc mắc của cổ đông về mật độ xây dựng của Vingroup có thể gây trở ngại đến quá trình bán hàng, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nói, mật độ xây dựng nhiều dự án bất động sản của Vingroup ở mức thấp so với bình quân thị trường.
Ông dẫn chứng, dự án Time City tại Hà Nội có mật độ xây dựng chỉ 30%, trong khi nhiều nghiên cứu cho thấy bình quân mật độ xây dựng trên tổng quy mô đất của thị trường lên tới 60% tức là 1 m2 đất có thể xây dựng tới 19 m2 sàn.
Chủ tịch Vingroup cũng bày tỏ quan điểm trước nhiều ý kiến cho rằng nhà cao tầng là nguyên nhân gây tắc đường ở các khu đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM. Ông khẳng định, tổng số 70.000 - 80.000 cư dân tại các dự án đô thị của Vingroup tham gia giao thông trên đường chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, và không phải là nguyên nhân gây tắc đường.
“Vấn đề ùn tắc giao thông ở đô thị cần được nhìn đúng bản chất, để giải quyết từ gốc. Đó là hạ tầng giao thông của Việt Nam quá thấp, đường xá quá kém, xe máy lưu thông nhiều. Tôi từng sang Tokyo, ở những khách sạn cao hơn 60 tầng, hai toà nhà cao tầng cách nhau chỉ một sải tay, nhưng họ không hề tắc đường”, ông Vượng nói, và cho rằng cần giải quyết ùn tắc bằng tổng thể nhiều giải pháp khác nhau.
Với vai trò là một doanh nghiệp phát triển các dự án bất động sản, ông Vượng cho biết Vingroup đã hỗ trợ phía Hà Nội tổ chức cuộc thi ý tưởng giải quyết giao thông nội đô. Mặt khác, Vingroup cũng tham gia vào hạ tầng đô thị. Chẳng hạn, tập đoàn đang tham gia xây dựng 5 tuyến metro theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng).
“Đầu tư vốn giải quyết hạ tầng đô thị, nhưng đổi lại, Vingroup sẽ có hàng chục nghìn ha đất vùng ven để phát triển các dự án khu dân cư, các thành phố xanh tương lai, với quỹ đất có thể xây dựng đến khi tôi nghỉ hưu. Quan điểm của tôi là cần phải phát triển nhà cao tầng để tăng hệ số sử dụng đất lên”, tỷ phú cho hay.
Ông cũng cho biết thương hiệu mới Vincity không phải là nhà ở giá thấp hay như nhà ở xã hội, mà là phân khúc dành cho những người có thu nhập trung bình cao thích “hương đồng gió nội”, cách xa thành phố với không gian sống xanh. Theo đó Vincity sẽ xây dựng các khu nhà cao 38-40 tầng, chấp nhận lãi thấp hơn, nhưng bù lại sẽ có hạ tầng tốt, kiến trúc đẹp.
Về giá cổ phiếu VIC trên sàn chứng khoán, Chủ tịch Vingroup cho biết rất quan tâm, nhưng không biết làm sao để cho giá tăng, bởi chuyện tăng giảm theo ông là do thị trường quyết định.
“Tôi nghĩ là chúng ta cần làm tốt, làm sao cho hiệu quả, minh bạch, ổn định thì giá cổ phiếu chắc chắn lên”, ông Vượng nói và khẳng định chủ trương tài chính của công ty là mở rộng đầu tư, nếu tiền còn dư thì sẽ chia cổ tức.
Về vấn đề chi phí quản trị doanh nghiệp cao, ông Vượng khẳng định, Vingroup đang ở trong một cuộc cách mạng nhằm cải tổ về quản trị. Theo đó, tập đoàn lấy 5 tiêu chí là hạt nhân hoá tức cán bộ làm trọng, chuẩn hoá tiêu chí, đơn giản hoá, tự động hoá và và chia sẻ hoá.
“Chúng tôi đang áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào quản trị giúp nâng cao hiệu quả, tiết giảm chi phí, tinh gọn bộ máy. Định hướng của doanh nghiệp là quản trị theo hướng kinh tế chia sẻ kiểu Uber”, ông Vượng nói.
Thương mại điện tử, sẽ chờ đối thủ... “chết”
Tại đại hội, nhiều ý kiến cổ đông bày tỏ lo ngại về hiệu quả, chất lượng dịch vụ của mảng thương mại điện tử mà Vingroup đang triển khai.
Người đứng đầu tập đoàn trả lời, thương mại điện tử là xu hướng không thể phủ nhận và đang phát triển rất nhanh. Vingroup từng đưa ra kế hoạch phát triển nhanh mảng này, song trong lúc phát triển nhanh thì các đối thủ khác cũng “chạy nhanh” không kém, họ tìm mọi cách để giảm giá, thậm chí mua 10 đồng nhưng bán ra chỉ 7 đồng, tức là giảm tới đáy để đẩy doanh thu.
Dù vậy, theo ông Vượng, thương mại điện tử sẽ là câu chuyện của tương lai, và dần dần thay thế cách mua hàng offline truyền thống.
“Chúng tôi quyết định lấy tiêu chí phát triển bền vững, chặt chẽ, chờ đối thủ “chết”. Bởi với cách phát triển như hiện nay mua 10 đồng bán 7 thì họ không sống được chục năm. Ở Việt Nam có rất nhiều thương hiệu lớn đã bị khai tử”, ông Vượng nói và cho biết với mảng thương mại điện tử, Vingroup sẽ cố không để bị lỗ quá nhiều, tận dụng thời gian để củng cố nhân lực, hệ thống.
Ông cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của cổ đông khi muốn thay đổi tên miền thương hiệu “Adayroi”, bởi trong một thế giới phẳng, sẽ cần một tên miền dễ nhớ và mang tính toàn cầu hơn.
Cũng tại đại hội cổ đông, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Vingroup thông tin, năm 2016 tập đoàn đạt kỷ lục doanh thu với 57.614 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.513 tỷ đồng, vượt 28% và 17% kế hoạch. Giá trị hợp đồng bán hàng bất động sản đạt 83.000 tỷ đồng với 15.000 căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại và căn hộ khách sạn.
Còn trong năm 2017, Vingroup đặt kế hoạch doanh thu 80.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm còn 3.000 tỷ đồng.