Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần để thực hiện trước phục vụ cho việc sớm triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là nội dung cuộc họp này.
Phải tách mới kịp
Chính phủ giải thích, theo quy định hiện hành, Thủ tướng có thể quyết định việc tách này sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, do công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án chưa hoàn thành nên Chính phủ chưa thể trình Quốc hội để xem xét, thông qua.
Theo tiến độ dự kiến, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2019. Trong khi UBND tỉnh Đồng Nai cần khoảng thời gian ít nhất 3 năm để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án.
Nếu Quốc hội đồng ý cho tách thì tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Dự kiến nếu Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2019 thì sớm nhất 2020 địa phương mới có thể bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai các bước tiếp theo của dự án phù hợp với tiến độ đưa cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác từ 2025 theo nghị quyết của Quốc hội.
Nếu không được tách thì dự án có thể phải kéo dài khoảng 2 - 3 năm, chưa kể kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng thêm, đời sống của dân vùng dự án sẽ gặp thêm nhiều khó khăn.
Chính phủ cho biết, tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án khoảng 23.000 tỷ đồng (trong đó có 5.030 tỷ để xây dựng khu tái định cư).
Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi cho dự án là 5.614,65 ha.
Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức (bao gồm các tổ chức tôn giáo, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trường học, trạm y tế và doanh nghiệp).
18 nghìn tỷ nữa lấy ở đâu?
“Hiện nay mới bố trí được 5.000 tỷ, phần thiếu 18 nghìn tỷ chưa thấy có phương án cụ thể”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề.
Đây cũng là câu hỏi được nêu nhiều tại phiên họp, bới nghị quyết của Quốc hội yêu cầu phải giải phóng mặt bằng một lần và tiền bố trí mới được 5.000 tỷ trong kế hoạch vốn trung hạn thì số còn lại lấy ở đâu?
Dù các ý kiến từ các vị đại biểu đến từ Hội đồng Dân tộc, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Uỷ ban Đối ngoại, Uỷ ban Pháp luật… và nhiều thành viên Uỷ ban Kinh tế đều đồng ý với sự cần thiết phải tách như đề xuất của Chính phủ.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn băn khoăn: 80% tiền còn thiếu ở đâu ra, tờ trình của Chính phủ nói không trông được vào vốn ODA mà phải sử dụng tiền ngân sách và chỉ có thể hoàn trả một phần vốn từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ.
“18 nghìn tỷ lớn lắm, phương án bố trí vốn như thế nào?”,ông Toàn băn khoăn.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, cần xem luôn ngoài chuyện xin tách dự án như trên thì còn cần gì cần tách nữa không, xin thì xin một lần, đừng để mỗi kỳ xin một thứ thì không nên.
“Nghị quyết Quốc hội nói thu hồi đất một lần thì 5.000 tỷ có đủ không? Nếu không thì phải sửa ngay nghị quyết”, ông Tiến nói.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc tách dự án như Chính phủ trình phải dựa trên nghị quyết đã được Quốc hội thông qua về dự án sân bay Long Thành.
Ông Hiển cũng cho rằng câu hỏi quan trọng nhất là vốn ở đâu, vì ban đầu Chính phủ nói cần 12 nghìn tỷ, Đồng Nai nói cần 18 nghìn, giờ lại lên đến 23 nghìn, vậy tới đây dừng lại hay tăng thêm nữa?
Theo Phó chủ tịch Quốc hội thì nguồn vốn ở đâu cũng phải giải trình được với Quốc hội, xem mới có 5 nghìn thì 18 nghìn nữa lấy ở đâu.
Một là phải đi vay hai là dùng từ dự phòng ngân sách, hai là dùng chính một phần đất của dự án đó để sinh lời, Chính phủ phải chỉ ra được.
Chốt lại, ông nói, nếu kỳ họp cuối năm nay Quốc hội có đồng ý phê duyệt báo cáo khả thi thì Chính phủ mới có thể triển khai dự án xin tách này.
“Nói với dân phải nhất ngôn”
Ở khía cạnh khác, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang thì băn khoăn khi đất phải thu hồi đã tăng hơn 600 ha so với nghị quyết của Quốc hội.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng phải đánh giá thêm sự đồng tình của dân, vì khi đi vào đền bù thì mới nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Ông Lợi cũng lưu ý, cần thực hiện đúng quy định, vì nếu xác định chi trả đền bù cho dân theo đơn giá 2017, nhưng lại lấn sang 2018 - 2019 thì rất khó khăn.
“Nói với dân phải nhất ngôn, không thì sẽ xảy ra khiếu kiện ngay thôi”, ông nhấn mạnh.
Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nói là giải phóng mặt bằng một lần nhưng không phải 1 năm mà xong mà sẽ ưu tiên giải phóng để xây dựng sân bay trước.
Nếu nhanh nhất thì đầu 2018 sẽ triển khai chứ không phải 5.000 tỷ dùng ngay một năm, còn từ nay đến 2020 cố gắng giải phóng 2.750 ha cho sân bay trước, vị này cho biết.
Kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần có báo cáo giải trình bổ sung những vấn đề đã được đặt ra tại phiên họp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét